Lịch Gregorius trên thế giới Lịch_Gregorius

Hình khắc trên mộ của Giáo hoàng Gregorius XIII, kỷ niệm sự việc ban hành lịch Gregorius.

Vì sự thông tin chậm trễ và vì lý do tôn giáo, nhiều nước không áp dụng lịch Gregorius ngay sau đó. Nước Anh (và Hoa Kỳ lúc còn là thuộc địa của Anh) mãi đến 1752 mới theo lịch này, và khi đó phải bỏ bớt 11 ngày trong lịch (do đó George Washington sinh ngày 11 tháng 2 năm 1732, nhưng Hoa Kỳ ăn mừng sinh nhật của ông vào ngày 22 tháng 2). Nga chỉ theo lịch này sau năm 1917, do đó Cách mạng tháng Mười Nga diễn ra vào tháng 11 dương lịch. Một số nhà thờ Chính thống giáo (ví dụ như ở Nga, SerbiaGeorgia) tiếp tục tổ chức lễ hội tôn giáo theo lịch Julian. Lễ Giáng sinh của họ (ngày 25 tháng 12) hiện tại vào ngày 7 tháng 1 (lịch Gregorian). Tất cả các nhà thờ Chính thống đều tính lễ Phục sinh và các lễ hội di chuyển khác theo đầu xuân lịch Julian và theo trăng tròn; lễ hội do đó chỉ trùng hợp thỉnh thoảng với ngày lễ Phục sinh của các hội thánh phương Tây; thường là một, bốn hoặc năm tuần sau đó ở phương Tây.

Tại Việt Nam, Tây lịch được áp dụng ở các công sở khi người Pháp ép triều đình Huế nhận nền bảo hộ vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên lịch Hiệp kỷ vẫn được nhà Nguyễn duy trì song hành. Lịch Gregorius chính thức được dùng kể từ năm 1946 trở đi.[3]